Lượt xem: 406

Dự án Xây dựng cánh đồng sản xuất thông minh của nông dân huyện Châu Thành

Cuối tháng 3-2020, UBND huyện Châu Thành đã thông qua đề cương Dự án xây dựng cánh đồng sản xuất thông minh, hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội triển vọng phát triển lớn trong sản xuất nông nghiệp của địa phương, vì sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân, do có sự định hướng về quy trình sản xuất nông nghiệp hiện đại.

    Đây là dự án lớn của huyện, nằm trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020 và chủ động thực hiện quy hoạch lại vùng sản xuất, định hướng đến năm 2025, giúp nông dân phát triển nông nghiệp theo từng vùng quy hoạch, phù hợp với lợi thế tự nhiên và theo nhu cầu của thị trường, giúp nông dân khắc phục những tồn tại, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Chủ yếu thực hiện mô hình luân canh lúa, màu; mô hình sản xuất lúa đặc sản; mô hình trồng nấm rơm; mô hình nuôi bò bằng rơm rạ đã ủ.

    Dự án này do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện là cơ quan thực hiện; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện là cơ quan quản lý; đơn vị tư vấn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ là Khoa Khoa học đất thuộc Trường Đại học Cần Thơ; Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh và Trung tâm Giống nông nghiệp là các đơn vị phối hợp triển khai.


Hội nghị thông qua Đề cương Dự án xây dựng cánh đồng sản xuất thông minh. Ảnh Mỹ Dung

    Theo đề cương của Dự án đang bắt đầu thực hiện, trong 3 năm sẽ tạo ra bước đột phá cho trên 3.500 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Châu Thành, 6.415 hộ nông dân được chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật. Ở giai đoạn 1 của dự án sẽ chọn 115 hộ nông dân sản xuất giỏi tại hợp tác xã nông nghiệp Phước An, xã Phú Tân thực hiện mô hình trình diễn sản xuất lúa đặc sản, các dòng lúa thơm, giống lúa ST, diện tích 63 ha; sau đó mở rộng dần đến 300 ha ở những nơi có điều kiện thuận lợi trong vùng dự án.

    Đồng chí Hứa Thanh Xuân - Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ - Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh cho biết Khi thực hiện Dự án, chúng ta sẽ khuyến cáo cho nông dân sạ thưa hợp lý; do chi phí mua giống xác nhận rất cao, đôi khi lại không đủ giống cung cấp cho bà con. Khi Dự án chọn lựa mô hình điểm nhân giống chất lượng sẽ tạo điều kiện rất tốt bà con địa phương. Trước tiên là ưu tiên cho thành viên trong hợp tác xã, sau đó mới cung ứng cho các đơn vị khác. Dự án này đặt tại Hợp tác xã Phước An có nhiều lợi thế, vì Hợp tác xã được dự án VinaSat tỉnh trang bị nhà kho, có những phương tiện hỗ trợ sản xuất, lò sấy, dụng cụ tách hạt. Chúng ta còn hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất nên giá thành sẽ giảm, chủ động được nguồn giống lúa chất lượng tốt. Định hướng của Dự án là rất đúng.

    Hiện nay theo khảo sát của ngành chuyên môn, bình quân nông dân trong huyện có khoảng 0,67 ha đất nông nghiệp; hệ số sử dụng đất canh tác nhiều vụ trong năm khá cao, 2,69 lần và thu nhập vẫn còn ở mức thấp hơn 28 triệu đồng/năm; sản xuất lúa đặc sản có giá trị cao chiếm thấp, khoảng 23%; năng suất thực tế vẫn thấp hơn năng suất tiềm năng khoảng 0,61 tấn/ha; nông dân muốn đạt lợi nhuận thì phải đầu tư cao trên 50%, tuy nhiên lợi nhuận chỉ đạt khoảng 49%.

    Một bất lợi nữa là canh tác lúa từ tháng 1 đến tháng 5 sẽ gặp nhiều khó khăn vì khan hiếm nguồn nước ngọt, do nước mặn xâm nhập tăng. Triển khai Dự án cánh đồng sản xuất thông minh cũng sẽ khắc phục dần sự thiếu hụt lao động, bảo vệ sức khỏe, môi trường; tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị để thực hiện dịch vụ trong sản xuất; đa dạng cây trồng trên đất lúa; khai thác các phụ phẩm từ cây lúa; hình thành các dịch vụ trong sản xuất.

    Đồng chí Võ Văn Vũ - Phó Trưởng Phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nhận định: Dự án này rất cấp thiết, dự trù, giải pháp, công trình thiết bị khép kín đem lại hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Ví dụ khi thực hiện 300 ha tương đương sẽ có 300 hộ nông dân được nâng cao trình độ canh tác. Kết quả dự án là xây dựng được chuỗi liên kết.

    Hướng dẫn nông dân thay đổi chuyển dịch mùa vụ, từ 3 vụ lúa trong năm chỉ còn sản xuất 2 vụ lúa. Chuyển giao kỹ thuật trồng thêm 1 vụ màu các loại như: Bắp ngọt, đậu bắp, đậu xanh, trồng nấm rơm trên nền đất lúa. Các hoạt động này đều có bao tiêu nông sản.

    Về mô hình sản xuất bền vững theo hướng canh tác khép kín, 2 vụ lúa, 1 vụ màu hoặc 2 vụ màu, 1 vụ lúa, tận dụng rơm rạ để trồng thêm nấm rơm, tạo nguồn thức ăn cho chăn nuôi bò thịt. Hơn nữa, Dự án phát huy được vai trò nòng cốt của hợp tác xã. Quy mô, diện tích thực hiện từ nhỏ đến lớn để rút kinh nghiệm nhân rộng, chứ không làm quy mô đại trà. Theo mô hình cánh đồng thông minh là mô hình liên kết 4 nhà, kinh phí, con người, kỹ thuật, diện tích, giống, cây trồng, kết hợp với cơ chế, chính sách ưu tiên trong nông nghiệp của nhà nước.

    Theo tính toán của ngành chức năng, mục tiêu thực hiện cánh đồng sản xuất quy mô 300 ha, sẽ xây dựng 1 hợp tác xã quy mô đạt từ 60 ha đến 100 ha; liên kết 8 đến 10 tổ hợp tác, quy mô từ 20 ha đến 30 ha/tổ hợp tác; xây dựng liên minh 2 đến 3 hợp tác xã trong vùng dự án có điều kiện sản xuất tương đồng; thông qua các dịch vụ liên kết về ưu tiên dịch vụ giá rẻ, kết nối tiêu thụ. Xây dựng giá trị sản xuất đạt 160 triệu đồng/ha/năm, tập trung sản xuất lúa đặc sản đạt tiêu chuẩn GAP, 2 vụ/năm đạt từ 90 triệu đồng đến 95 triệu đồng/ha/năm; giá bán khoảng 6.500 đồng/kg.

    Sản xuất luân canh trồng màu các loại dưa hấu, bí đao, đậu bắp 1 vụ/năm đạt từ 50 triệu đồng đến 55 triệu đồng/ha. Sử dụng rơm rạ để trồng nấm, lợi nhuận đạt từ 12 triệu đồng đến 15 triệu đồng, giá bán 35 ngàn đồng/kg nấm. Theo định hướng của ngành chuyên môn, lợi nhuận đạt được 55% thu nhập do giảm các khoản chi phí về lượng giống, giá mua giống, phân, thuốc, giá thuê mướn các dịch vụ; tăng năng suất 0,6 tấn/ha/vụ; đồng thời cũng tăng giá bán cao hơn lúa thường chênh lệch khoảng 1.500 đồng/kg.

    Để thực hiện Dự án, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện khảo sát điều kiện sản xuất nông nghiệp ở từng địa phương, để chọn điểm, chọn địa bàn, chọn vùng. Đồng thời, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho nông dân, đảm bảo Dự án phát triển bền vững.

    Theo đồng chí Võ Quốc Trung - cán bộ kỹ thuật thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Thực hiện mô hình cánh đồng sản xuất lúa giống, giúp người nông dân biết nhiều kỹ thuật hơn, để sản xuất lúa giống đạt chất lượng, tiêu chuẩn và được kiểm định, vì thế sẽ tăng lợi thế cạnh tranh. Phát huy hiệu quả của 3 hợp tác xã là Thọ Hòa Đông, xã Phú Tâm, Phước An của xã Phú Tân và Tân Tiến của xã Hồ Đắc Kiện và tiếp tục mở rộng ra các hợp tác xã khác.

    Dự án xây dựng cánh đồng sản xuất thông minh giúp nông dân sản xuất nhiều vụ, nhiều loại cây trồng, khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt; nâng cao sản lượng nông sản; tạo được chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ; giúp nông dân gắn bó với đồng ruộng; khắc phục được tình trạng thiếu lao động thời vụ, năng suất lao động không cao; giảm chi phí đầu tư; tăng giá trị lợi nhuận.

Cũng từ dự án này sẽ giúp nông dân thay đổi cách làm truyền thống, từng bước tiếp cận cách làm hiện đại và thông minh để gia tăng giá trị kinh tế./.

Mỹ Dung



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 63
  • Hôm nay: 9079
  • Trong tuần: 76,399
  • Tất cả: 11,860,588